
Tạo nam châm điện (hình trên) và thủy phi cơ
Dựa trên những kiến thức vật lý đã học, cô Hưởng đã hướng dẫn các em làm ra nhiều đồ dùng, đồ chơi hữu ích. Đó là áp dụng kiến thức vật lý lớp 9, phần Điện học để tự tạo nam châm bằng cách quấn dây đồng vào ống nhựa, rồi dùng hộp giấy và giấy bạc để đựng pin, cho dòng điện chạy qua các vòng của ống dây, đặt các đinh và các đoạn sắt vào trong lòng ống dây. Sau 1 thời gian, đinh sẽ trở thành nam châm vĩnh cửu. Hay các em áp dụng kiến thức vật lý lớp 8, phần áp suất khí quyển để tự tạo thủy phi cơ bằng cách đục một lỗ thủng trên nắp chai nước rồi dùng keo dán nắp chai nước lên một cái đĩa CD đã trang trí. Gắn bong bóng vào nắp chai nước. Khi chơi, thổng bong bóng phồng lên rồi thả xuống nền gạch men thì chiêc thủy phi cơ sẽ xoay vòng đẹp mắt.

Cô Hưởng giới thiệu giải pháp trước Ban giám khảo Chương trình 6
Cũng ứng dụng kiến thức về sự nổi của chương trình vật lý lớp 8, cô Hưởng đã hướng dẫn cho học sinh làm chiếc bình thủy hoa và chiếc đèn hoa đăng. Theo đó, để làm bình thủy hoa, các em sẽ bơm lượng nước màu khác nhau vào các lọ thuốc và thả vào bình nước muối sẽ thấy các lọ nước màu trong bình nổi, chìm, lơ lửng rất đẹp mắt, như những bông hoa trong lòng nước. Còn để làm đèn hoa đăng thì chỉ cần đặt vỏ chai lên lõi giấy cứng, sau đó gắn bóng đèn vào bên dưới và trang trí vỏ chai thành hình dạng tên lửa. Tiếp đó, đổ dầu ăn vào lọ, nhỏ vài giọt nước màu vào dầu ăn và cắm đèn sáng nóng truyền nhiệt lên phía trên làm nóng nước màu. Lúc này, nước màu nóng sẽ di chuyển lên trên. Sự truyền nhiệt bằng hình thức đối lưu như vậy sẽ làm cho đèn rất đẹp. Cô Hưởng cho biết, bình này có thể dùng để trang trí trên bàn học hay trong phòng khách nhà mình sẽ rất sinh động và ấn tượng.

Ứng dụng kiến thức vật lý 7 làm Kính tiềm vọng (trái) và kiến thức vật lý 8 làm Đèn hoa đăng (phải)
Còn bộ đồ dùng Bảng đèn ghép câu thì cô Hưởng lại ứng dụng kiến thức vật lý lớp 7. Để làm được Bảng đèn này chỉ cần làm tấm bìa thành bảng bài tập rồi nối 4 nhóm đèn Led với nguồn và các dây dẫn thành 4 mạch điện độc lập. Đóng 8 đinh trước các câu trả lời. Khi làm bài tập, dùng dây dẫn ghép các câu ở phía trước bảng tạo thành nội dung đúng thì đèn sẽ sáng lên, nếu không đúng thì đèn sẽ không sáng. Cô Hưởng lý giải, bảng đèn này có thể dùng cho những tiết học trên lớp cũng như những tiết học ngoại khóa sẽ tạo sự hứng thú cho học sinh đối với bài học. Cũng từ kiến thức vật lý lớp 7, cô còn hướng dẫn các em làm kính tiềm vọng hay điện thoại lon. Chỉ cần một hộp bìa cứng và cắt 2 ô hình vuông ở hai đầu sau đó dán 2 tấm gương lệch 450 là chúng ta đã có 1 chiếc kính tiềm vọng dùng để quan sát cảnh vật bên ngoài cửa sổ hoặc trên cao. Hay đục lỗ ở đáy 2 lon vỏ sữa và nối sợi dây vào sẽ có 1 chiếc điện thoại lon xinh xắn.

Cô Hưởng nhận giải Nhì tại Hội thi sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2014
Ngoài ra, cô Hưởng còn hướng dẫn ứng dụng kiến thức vật lý lớp 6 để làm ra một số đồ dùng, đồ chơi khác như chiếc cân lò xo, vòng ngựa quay..
Chính từ những đồ dùng, đồ chơi tự tạo này đã giúp cho việc giảng dạy môn vật lý của giáo viên THCS thêm thu hút, nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời giúp học sinh nắm vững các kiến thức cơ bản, phát triển năng lực, khả năng sáng tạo cũng như thêm tự tin vào bản thân. Điều này khuyến khích học sinh cố gắng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo hơn nữa để làm ra nhiều sản phẩm độc đáo. Cô Hưởng tâm sự: “Trong quá trình hướng dẫn học sinh thực hiện, tôi đã nhận được phản hồi rất tích cực. Các em đều thích thú và hào hứng, thậm chí có nhiều em đã tự tạo thêm những đồ dùng, đồ chơi khác. Nhờ đó, các em đã yêu thích môn vật lý hơn”.
Giải pháp này của cô Phan Thị Hưởng đã đạt giải Nhì trong phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2014.
L.Hương