Tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân tiếp cận, tương tác, thụ hưởng các dịch vụ số.
Đồng Nai phấn đấu trong năm 2023, người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt từ trung ương đến địa phương đạt tỷ lệ 40%. Tỷ lệ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến đạt 30%. Ngoài ra, kế hoạch còn đặt mục tiêu hình thành kho dữ liệu lưu trữ điện tử phục vụ hồ sơ được tạo, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử…
Theo kế hoạch, Đồng Nai đặt ra 10 nhiệm vụ, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số bao gồm: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, Kế hoạch nêu rõ các giải pháp cần phải thực hiện. Trước hết là đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trong đó có có chế để tạo động lực cho các doanh nghiệp số lớn trên địa bàn tỉnh, trong nước tham gia thí điểm các mô hình chuyển đổi số hay phục vụ tiện ích cho các cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để giới thiệu các nền tảng số của các doanh nghiệp số như: thanh toán trực tuyến, sàn thương mại điện tử, sách nói, Đồng Nai chuyển đổi số…giúp người dân tiếp cận, tương tác, thụ hưởng các dịch vụ số.
Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức đăng ký, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chuyển đổi số, đồng thời tận dụng kết quả các đề tài nghiên cứu để áp dụng vào thực tế tại các cơ quan, đơn vị nhà nước phù hợp.
Thu hút nguồn lực công nghệ thông tin và tăng cường hợp tác quốc tế để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.
P.Hương